Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

phát hiện khí độc hại bằng điện thoại

Phát hiện khí độc hại bằng điện thoại

Với những điện thoại được trang bị cảm biến có khả năng phát hiện khí độc hại, những người mắc bệnh hen suyễn sẽ cảm thấy yên tâm hơn mỗi khi họ bước ra khỏi nhà.

Chất lượng không khí được mã hóa bằng màu sắc
Chất lượng không khí được mã hóa bằng màu sắc trên màn hình điện thoại di động thông minh. Ảnh: Livescience.

Livescience đưa tin các chuyên gia máy tính của Đại học California tại thành phố San Diego, Mỹ chế tạo những cảm biến siêu nhỏ có khả năng phân tích không khí để phát hiện những chất độc hại. CitiSense, tên của nhóm cảm biến này, nhỏ đến mức các hãng sản xuất điện thoại có thể tích hợp chúng vào điện thoại thông minh.

Nhóm cảm biến CitiSense có khả năng phát hiện khí ozone, nitơ dioxide, carbon monoxide - những chất gây ô nhiễm phổ biến nhất mà phương tiện giao thông cơ giới thải ra. Chỉ số của các loại khí được hiển thị liên tục trên màn hình điện thoại thông minh. Người sử dụng căn cứ vào màu sắc trên màn hình để biết chất lượng không khí, từ mức tốt (xanh lục) tới nguy hiểm (tím).

Điện thoại di động liên tục gửi dữ liệu từ cảm biến tới một máy tính để nó đánh giá chất lượng không khí trong mọi thời điểm. Nếu hàng vạn điện thoại cùng gửi dữ liệu về máy tính, các nhà khoa học có thể đánh giá chất lượng không khí trong một khu vực rộng lớn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cảm biến CitySense là vật hữu ích đối với những người mắc hen suyễn và nhiều bệnh hô hấp kinh niên khác.

Minh Long

Nguồn: vnexpress.net